image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
DI TÍCH ĐÌNH ĐẠI TRÀ, XÃ ĐÔNG PHƯƠNG, HUYỆN KIẾN THỤY, TP HẢI PHÒNG ( Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia)
Lượt xem: 240

  DI TÍCH ĐÌNH ĐẠI TRÀ, XÃ ĐÔNG PHƯƠNG, HUYỆN KIẾN THỤY, TP HẢI PHÒNG ( Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia). 

Đình Đại Trà nằm trên địa bàn xã Đông Phương, huyện Kiến Thuỵ,  ngoại thành Hải Phòng. Đình thờ hai vị thành hoàng là: Chu Xích, người Hoa đến định cư tại Đại Trà mở trường dạy học, sau giúp Lê Hoàn bình Chiêm và Trần Quốc Thi, một thân Vương triều Trần có công đánh dẹp quân Nguyên...

Ngày xưa, cả 4 xã thuộc Tổng Đại Trà thờ 7 vị Thành hoàng và có lệ thi đốt pháo vào ngày mồng 4 tháng giêng (Âm lịch) hàng năm. Làng nào cũng rước pháo vào Đình cả Đại Trà, làm lễ xong mang ra đốt, có tranh giải. Tương truyền, lệ đốt pháo có từ đời Chu Xích. Trong 10 người đi theo ông đánh giặc Chiêm, có một người biết chế thuốc làm pháo. Chính tiếng pháo nổ của quân đội do ông chỉ huy đã uy hiếp, góp phần đánh thắng quân giặc.

Khi trở về địa phương, ông tổ chức đốt pháo ăn mừng thắng lợi. Ngày mồng 4 tháng giêng (Âm lịch) trở thành ngày hội thi đốt pháo. Từ sáng sớm, làng nào cũng tổ chức rước pháo quanh làng rồi mới rước về Đình cả Đại Trà. Trên cơ sở tự nguyện, người đốt pháo do các làng lựa chọn, đòi hỏi sự can đảm, có phẩm chất tốt và kỹ thuật giỏi. Theo kết quả bốc thăm, các làng lần lượt đưa pháo lên bệ đốt. Làng Đại Trà hay được giải nhất.

Ngoài lệ đốt pháo mùa xuân, Tổng Đại Trà còn có hội thi thả diều vào thu. Đây là một sinh hoạt văn hoá lành mạnh, thể hiện lòng mong ước quê hương, đất nước thanh bình.

Đình Đại Trà có nhiều hiện vật đáng quan tâm:

- Chiếc hương án kê chính giữa gian trung tâm,  đề tài trang trí chủ yếu là rồng, tiếp đến hoa lá, mai điểu, hạc trên lưng rùa, mặt hổ phù, cá bơi trong sóng nước.... gồm 20 mảng trang trí được chạm thủng, chạm lộng.

- Con nghê gỗ đặt trên hương án. Đây là một hiện tượng lạ ở đình Đại Trà. Bởi lẽ, người ta thường thờ những con nghê bằng đá ở nơi phủ, điện, từ đường; thỉnh thoảng ở gặp đội nghê bằng đồng. Còn đây lại là nghê gỗ đặt trên hương án để thờ.

- Ba chiếc ngai thờ với hình ảnh rồng trên yên ngựa cùng những tia lửa hình lưỡi mác.

- Bài vị thờ Chu Xích.

- Sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá, bốn mặt đều trang trí hổ phù, long mã chầu...

- Các hiện vật kể trên và nhiều hiện vật khác trong di tích, đều được phủ lớp sơn son thiếp vàng rực rỡ. Đình Đại Trà còn lưu giữ được 24 sắc phong từ đời Lê Cảnh Hưng (1740), Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh đến các Vua triều Nguyễn phong cho Chu Xích và Trần Quốc Thi.

Cụm di tích lịch sử văn hoá xã Đông Phương, gồm chùa Lạng Côn, Chùa và Đình Đại Trà là một tài sản vô giá của địa phương. Về giá trị nghệ thuật, có thể coi một số di vật của cụm di tích này là một bảo tàng mỹ thuật thu nhỏ, gây nhiều ấn tượng. Đình được Nhà Nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1993.

Đình Đại Trà di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (1993)

Hương án thờ tại di tích

btvxadongphuong
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới