DI TÍCH TỪ ĐƯỜNG NGUYỄN NHƯ QUẾ, XÃ ĐÔNG PHƯƠNG HUYỆN KIẾN THUỴ, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ( Di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố)
DI TÍCH TỪ ĐƯỜNG NGUYỄN NHƯ QUẾ, XÃ ĐÔNG PHƯƠNG HUYỆN KIẾN THUỴ, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ( Di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố).
Di tích từ đường Nguyễn Như Quế ở thôn Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng. Là công trình kiến trúc mang niên hiệu nghệ thuật Nguyễn cuối thế kỷ 19, được lớp hậu duệ họ Nguyễn dựng lên thờ vị khởi Tổ của dòng họ mình.
Nguyễn Như Quế, nguyên là võ tướng cũ của Vua Lê Chiêu Tông, sau về thờ Mạc Đăng Dung nên đổi ra họ Mạc, vì thế đã có sách chép là Mạc Như Quế.
Thực ra, ông chính là người họ Nguyễn , thuộc xã Đại Trà, huyện Nghi Dương cũ, xuất thân từ trúng võ cử ra làm quan cho nhà Lê. Sau về giúp nhà Mạc, con cháu có nhiều người theo nhà Mạc, có người làm tướng đi đánh Lê - Trịnh ở Nghệ An. Đến khi nhà Lê Trung Hưng, dòng dõi Nguyễn Như Quế phải thay tên, đổi họ.
Đến đời Nguyễn Gia Long, họ Nguyễn ở Đại Trà mới được xây cất lăng mộ, xây dựng từ đường thờ Đức Tổ Nguyễn Như Quế, nên ở làng Đại Trà mới gọi là họ "Nguyễn Lăng", để phân biệt với những họ Nguyễn khác.
Chính sử đã có nhiều ghi chép về Nguyễn Như Quế, cuối đời Lê Chiêu Tông, được phong tước: "Dương Xuyên hầu", ông là một trong 8 đại thần suy tôn Hoàng Đệ Xuân lên ngôi Vua thay Chiêu Tông. Sau khi Mạc Đăng Dung lập ra một Vương triều mới thay thế nhà Lê. Nguyễn Như Quế giữ chức: Thái uý, tước Trung Quốc công, phụ chính đại thần thứ nhất - Nguyễn Như Quế liên tục phục vụ 4 triều Vua Mạc và thăng đến cực phẩm triều đình.
Tại di tích từ đường thôn Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy quê hương Ông còn lưu giữ nguyên vẹn bốn bản sắc phong của một số đời Vua nhà Nguyễn: Duy Tân năm thứ 5 (1911), Phong cho các vị: Nam hải Tôn Thần, Thiên Quan chi thần và Thái uý Trung Quốc công chi thần.
Theo các vị cao tuổi là hậu duệ Nguyễn Như Quế, năm Tự Đức thứ 11 (1859) dòng họ được triều đình ban cấp ruộng hương hoả, với diện tích 20 sào, đặt văn bia mộ chí Thái uý - Trung quốc công. Đặc phu quốc thổ tướng quân, Khai quốc công thần.
- Di tích từ đường và khu lăng mộ được tồn tại đến ngày nay, được gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp gian nan của một nhân vật lịch sử thời Lê - Mạc đầy biến động diễn ra trên đất nước ta. Nguyễn Như Quế, ông là bậc khai quốc công thần, tận tuỵ gắn bó với hai Vương triều đương thời, được ban thưởng truy phong là phúc thần, con cháu đời đời thờ tự tại quê hương Đại Trà, xã Đông Phương ngày nay.
Di tích từ đường Nguyễn Như Quế là nơi bảo tồn giữ gìn giá trị đạo lý cao đẹp của dân tộc, phù hợp với nét chung của cộng đồng làng xã Việt Nam, trong mối quan hệ họ hàng, làng nước, cuội nguồn của sức mạnh Việt Nam. Di tích còn bảo lưu được nhiều cổ vật có niên đại nghệ thuật Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như bia đá, đồ thờ tự gỗ sơn thiếp, trong tổng thể khu di tích Từ đường - Lăng mộ đây là di sản quý của quê hương, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá trong công cuộc đổi mới, xây dựng cuộc sống mới hôm nay.
Từ đường Nguyễn Như Quế được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Thành phố năm 2005.
